Lịch sử chiến thuật: Italia & đặc sản mang tên Catenaccio

Đó chính là điều mà người đàn ông đang tìm kiếm: Một hậu vệ “tự do” đóng vai trò hỗ trợ phía sau hàng .
Từ “cái chốt” của người Thụy Sỹ…

bắt đầu được sử dụng một cách có hệ thống ở Italia từ những năm 1940 và đạt tới đỉnh cao vào những năm 1960. Tuy nhiên, từ trước đó nhiều năm, đã có một người thực hiện điều mà sau này trở thành trở thành nét đặc trưng trong cách bố trí đội hình của các đội bóng sử dụng : Sử dụng một cầu thủ phòng ngự tự do chơi phía sau các hậu vệ khác với nhiệm vụ bọc lót và lấp chỗ trống.

Người đó là Karl Rappan. Vào cuối những năm 1930, khi dẫn dắt đội bóng Thụy Sỹ Servette, Rappan nhận thấy rằng cách duy nhất để một đội bóng gồm toàn cầu thủ bán chuyên như Servette có thể chơi trên khả năng của mình là tìm ra một hệ thống phù hợp. Hệ thống ấy không chỉ có thể phát huy hết tiềm năng của các cầu thủ, mà còn làm cho sức mạnh thực sự của đội bóng lớn hơn sức mạnh của 11 cầu thủ gộp lại!

Cuối cùng thì ông cũng tìm ra được một hệ thống như thế. Bằng cách kéo 2 tiền vệ trong sơ đồ 2-3-5 lúc đó vẫn còn rất thịnh hành ở Thụy Sỹ xuống hàng phòng ngự. Các tiền vệ này vẫn có thể băng lên tấn công, nhưng nhiệm vụ chính của họ làm kèm chặt các tiền vệ cánh của đối phương. Hai hậu vệ trong sơ đồ cũ lúc này đã trở thành những trung vệ thực thụ. Tuy nhiên, một trong hai người sẽ lùi xuống thấp hơn để đóng vai trò bọc lót như người kia lao ra.


Người đóng vai trò bọc lót ấy được gọi là verouller trong tiếng Thụy Sỹ. Còn hệ thống của Rappan được gọi là verrou. Trong tiếng Thụy Sỹ, verrou có nghĩa là cái đinh vít, hay cái chốt!

Với verrou, Rappan đã giành được 2 chức vô địch quốc gia với Servette, và 5 chức vô địch khác với Grasshoppers. Tuy nhiên, thành công đáng kể nhất của Rappan là với đội tuyển quốc gia Thụy Sỹ. Khi ông nhận lời dẫn dắt vào năm 1937, Thụy Sỹ còn là một trong những đội tuyển yếu nhất ở Trung Âu, với thành tích 4 thắng, 3 hòa và 25 thua trong 32 trận ở Cúp Dr Gero. Với verrou của Rappan, Thụy Sỹ đã giành quyền dự World Cup 1938, đánh bại Anh 2-1 ở trận giao hữu tiền World Cup, hạ tiếp Đức ở vòng 1, trước khi dừng bước trước Hungary ở vòng 2.

… tới những tấm lưới ở Salernitana…

Một buổi sáng mùa Hè năm 1946, có một người đàn ông cứ đi đi lại lại mãi dọc bãi biển cạnh một bến cảng nhỏ trên biển Tyrrhenian. Với vẻ mệt mỏi vì mất ngủ và suy nghĩ quá nhiều, người đàn ông ấy gần như bị nuốt chửng giữa những thanh âm rộn rã của một buổi sáng đặc trưng ở bến cảng, nơi những con chim mòng biển bay lượn một cách ồn ào trên đầu những chiếc thuyền đánh cá, trong khi các ngư dân hò nhau kéo những mẻ lưới đầy lên thuyền.

Rồi một hình ảnh bỗng đập vào mắt người đàn ông, làm ông như bừng tỉnh. Một nhóm ngư dân đang kéo một tấm lưỡi nặng trĩu cá lên; rồi sau đó, là một tấm khác. Tấm thứ hai đóng vai trò “bọc lót”: Nếu có chú cá may mắn nào thoát được khỏi tấm lưới đầu tiên, thì nó cũng khó thoát được tấm thứ hai. Đó chính là điều mà người đàn ông đang tìm kiếm: Một hậu vệ “tự do” đóng vai trò hỗ trợ phía sau hàng phòng ngự.

Người đàn ông ấy là Gipo Viani. Đội bóng mà ông đang dẫn dắt là Salernitana, lúc ấy còn ngụp lặn ở giải hạng nhì (tương đương Serie B) với một hàng thủ thường để thua một cách dễ dàng bất chấp mọi nỗ lực hàn vá của vị HLV tội nghiệp.


Hệ thống catenaccio – tấm lưới phụ của Viani

Sau buổi sáng định mệnh trên bến cảng ấy, Viani đã quyết định mang ý tưởng về hậu vệ tự do của ông áp dụng vào đội bóng, và lập tức thu được thành công lớn. Cuối mùa 1946/47, Salernitana giành quyền lên Serie A với tư cách là đội hạng nhì có hàng thủ tốt nhất trong hệ thống 3 giải hạng nhì song song.

Thành công của Salernitana đã khuyến khích các đội bóng khác ở Italia, đặc biệt là các đội bóng nhỏ, sử dụng một hệ thống phòng ngự tương tự. Họ tạo ra một hậu vệ tự do ở hàng thủ bằng cách kéo một tiền vệ cánh trong sơ đồ W-M xuống, và để một trong các trung vệ di chuyển như một con thoi phía sau lưng hàng thủ. Người ta bắt đầu nói về Catenaccio như là một xu hướng không thể cưỡng lại.

Trong số những HLV áp dụng “Catenaccio đời đầu”, người thành công nhất là Nereo Rocco. Rocco là người sau này sẽ dẫn dắt AC Milan tới 2 chức vô địch C1; tuy nhiên, thời gian ông dẫn dắt đội bóng quê nhà Triestina mới là quãng thời gian định hình triết lý huấn luyện của Rocco.

Triestina khi Rocco tiếp quản vào năm 1947 là một đống hỗn độn. Đội bóng này vừa kết thúc mùa giải với vị trí bét bảng, và chỉ được ở lại Serie A nhờ… xin xỏ! Nhưng ngay trong mùa giải đầu tiên với Rocco, Triestina đã bất ngờ giành vị trí thứ 2, và tiếp tục duy trì một vị trí trong top 8 ở 2 mùa giải tiếp theo. Vai trò của Rocco thể hiện rõ qua việc ngay khi ông vừa rời Triestina, đội bóng này đã lập tức rớt xuống thứ 15, dù được dẫn dắt bởi một HLV cũng rất nổi tiếng là Bela Guttmann.

… và đỉnh cao với Grande Inter

Dù được nhiều đội sử dụng, và thu được khá nhiều thành công, Catenaccio vẫn bị xem là “phương tiện của kẻ yếu”. Đó chỉ đơn giản là một chiến thuật để các đội bóng nhỏ che giấu đi những hạn chế về mặt trình độ, phá lối chơi của đối thủ, và hi vọng kiếm được điểm từ những sai lầm của họ.

Phải đến khi HLV Afredo Foni áp dụng cho Inter Milan, Catenaccio mới được nhìn nhận như một vũ khí uy lực để chinh phục đỉnh cao. Trong đội hình Inter lúc ấy có Gino Armano, tornanti (tiền vệ cánh thường xuyên lùi về hỗ trợ phòng ngự) đầu tiên của bóng đá Italia. Có Ivano Blason, libero vĩ đại đầu tiên. Có chuyện kể rằng Blason thường bắt đầu trận đấu bằng cách vạch một đường ngang trên sân, và tuyên bố cấm tiền đạo đối phương vượt qua, bằng không sẽ đá cho họ tung người!

Mùa giải 1952-53, Inter Milan vượt qua Juventus để giành Scudetto. Họ chỉ ghi được 46 bàn thắng trong 34 trận, ít hơn 27 bàn so với thành tích của Juventus. Nhưng họ thành công là nhờ một hàng thủ chắc chắn, chỉ để lọt lưới có 24 bàn (mùa trước đó, Juventus thủng lưới 34 bàn khi giành Scudetto). Trong mùa giải 1952-53, có tới 8 trận Inter đánh bại đối thủ với tỉ số tối thiểu 1-0, và ngoài ra còn có thêm 4 trận hòa 0-0. Dù bị chỉ trích, Inter Milan mùa giải ấy vẫn được đánh giá là đã tạo nên một cuộc cách mạng; bởi trước đó, đội bóng nào muốn vô địch Serie A thường phải ghi được trên dưới 100 bàn!

Dù Inter của Foni không thể kéo dài được sự thống trị, chiến tích đầy bất ngờ ấy cũng chứng tỏ giữa đội bóng này với Catenaccio có một mối “lương duyên” đầy tự nhiên. Nói một cách logic thì Inter của mùa giải 1952/53 đã đặt ra những nền tảng cơ bản để Inter có thể áp dụng nhuần nhuyễn chiến thuật này dưới thời HLV Helenio Herrera, người được đánh giá là đã làm cho Catenaccio trở thành bất tử khi Grande Inter của ông giành 3 chức vô địch Italia và 2 Cúp C1 liên tiếp với chiến thuật này.

Thực ra, Herrera không có ý định sử dụng Catenaccio trong những ngày đầu làm HLV của Inter Milan. Bởi trước đó, ông đã thu được khá nhiều thành công ở Tây Ban Nha với Atletico Madrid và Barca, đặc biệt là Barca, bằng lối chơi tấn công ấn tượng. Barca ghi được tới 96 bàn khi vô địch La Liga 1958/59, và 86 bàn ở mùa tiếp theo 1959/60, mùa giải mà họ vượt qua Real Madrid nhờ có hiệu số bàn thắng bại tốt hơn.

Tuy nhiên, khi Inter thất bại với mục tiêu Scudetto trong 2 mùa giải đầu tiên của Herrera dù ghi được rất nhiều bàn thắng, Chủ tịch của Inter lúc ấy là Angelo Moratti đã tính tới chuyện đổi người trên băng ghế huấn luyện. Moratti vốn chưa bao giờ được biến đến là một ông chủ kiên nhẫn: 5 năm trước khi Herrera tới, ông đã sa thải tới 12 HLV! Và thực tế là Moratti cũng đã tiếp xúc với một HLV khác là Edmondo Fabbri. Tình thế đó buộc Herrera phải thay đổi. Và ông chọn Catenaccio!

“Tôi đã rút ra một tiền vệ, và đặt anh ta chơi như một hậu vệ quét sau lưng các hậu vệ chính, giải phóng vai trò phòng ngự cho hậu vệ trái để anh ta có thể tham gia tấn công thường xuyên”, Herrera nói. “Khi tấn công, tất cả các cầu thủ đều hiểu điều mà tôi muốn: Đưa bóng theo trục dọc lên phía trên nhanh nhất có thể. Tôi muốn tiếp cận vòng cấm của đối phương sau không quá 3 đường chuyền. Nếu bạn mất bóng khi đang chuyền dọc sân thì không vấn đề gì; nếu mất bóng khi chuyền ngang, bạn sẽ phải trả giá đắt”.

Trong đội hình của Inter mà sau này sẽ được gọi là Grande Inter, Armando Picchi là người đóng vai trò của một libero. Ngoài việc bọc lót cho hàng thủ, Picchi còn có nhiệm vụ tổ chức lối chơi của Inter với khả năng chuyền bóng và tầm quan sát tuyệt vời. Hậu vệ trái là Giacinto Facchetti, người có nhiệm vụ chính là tham gia tấn công và… ghi bàn. Bên cánh đối diện, Jair đá như một tornante, là tiền vệ nhưng thường xuyên lùi về hỗ trợ phòng ngự.


Cách bố trí của Inter khi phòng ngự và tấn công

Cách chơi bóng đặc trưng của Inter dưới thời Herrera là lùi sân đội hình, khuyến khích đối phương dâng cao, hút trọn áp lực trước khi bung ra những pha phản công tốc độ. Khi giành được bóng, họ thường đẩy lên cho Luis Suarez, người sẽ tung ra những đường chuyền dài có độ chính xác cao cho Mazzola hoặc các tiền đạo. Hoặc họ sẽ đẩy bóng cho Jair, người sẽ dùng tốc độ khai thác khoảng trống mà đối phương bỏ lại.

Hệ thống thoạt nhìn khá đơn giản ấy mang lại hiệu quả tuyệt vời. Inter vô địch Serie A vào các năm 1963, 1965 và 1966, và chỉ để lỡ chức vô địch năm 1964 vì để thua Bologna trong trận play-off. Họ giành chức vô địch C1 vào các năm 1964 và 1965, và vào chung kết một lần nữa vào năm 1967. Rất nhiều đội bóng tấn công xuất sắc ở thời điểm đó đã phải “bó tay” trước Catenaccio của Inter, trong đó có cả Benfica của Eusebio vĩ đại.

Tuy thành công như thế, song Inter của Herrera lại thường xuyên trở thành nạn nhân của những chỉ trích. Một phần vì lối chơi của họ bị đánh giá là quá tiêu cực (dù Herrera sẽ phản đối điều này, với luận điểm là trong đội bóng của ông, ngay cả một hậu vệ trái – Facchetti – cũng có thể ghi được nhiều bàn như một tiền đạo). Phần khác, vì Inter của Herrera sử dụng quá nhiều vũ khí hắc ám.

Có nhiều câu chuyện kể về những trò bẩn mà Herrera và cộng sự đã làm để đảm bảo chiến thắng (dù không ai đưa ra được bằng chứng có thể buộc tội Herrera một cách trực tiếp). Từ việc mua chuộc các trọng tài. Quấy rối làm cho đối phương mất ngủ cả đêm trước trận đấu. Tới việc sử dụng các loại thuốc tăng lực. “Cafe Herrera” sau này trở thành khái niệm chỉ hành động pha thuốc vào cafe để ép các cầu thủ uống, điều mà Herrera đã làm sau khi biết rằng nhiều cầu thủ đã từ chối nuốt những “viên vitamin” mà ông đưa cho họ trước các trận đấu!

Thoái trào

Như một quy luật tất yếu của sự phát triển, sau cực thịnh sẽ là suy. Inter của Herrera bắt đầu rã đám sau thất bại 1-2 trước Celtic trong trận chung kết Cúp C1 vào năm 1967, và kéo theo đó là sự thoái trào của Catenaccio.

Có nhiều lý do dẫn tới việc Catenaccio không còn phù hợp. Thứ nhất là sự phát triển tất yếu trong bóng đá. Khi có một hệ thống làm mưa làm gió, thì tất sẽ có một hệ thống khác được phát triển để chống lại nó. Hệ thống đã góp phần bóp chết Catenaccio là Totalvoetball. Với TotalVoetball mà ta vẫn hay gọi là “bóng đá tổng lực”, các cầu thủ liên tục hoán đổi vị trí, do đó việc chơi một kèm một như các đội sử dụng Catenaccio vẫn thường chơi trở thành ngớ ngẩn.

Thứ hai là sự phát triển về thể lực và kỹ thuật của các cầu thủ. Thời Catenaccio cực thịnh, chuyền bóng qua hàng thủ là cách duy nhất để tiếp cận khung thành. Nhưng Gerd Mueller của Bayern Munich đã thay đổi hoàn toàn điều này với khả năng tung ra những cú sút xa sấm sét từ ngoài vòng cấm. Người ta gọi Mueller là “kẻ dội bom” cũng vì lý do đó.

Và cuối cùng là sự thay đổi trong hệ thống chấm điểm. Trước đó, mỗi trận thắng chỉ được tính 2 điểm, tức chỉ nhiều hơn 1 điểm so với một trận hòa, và nó khuyến khích các đội bóng chơi để hòa, nhất là trong những chuyến đi xa. Khi một trận thắng được tính 3 điểm, các đội bóng buộc phải hướng tới lối chơi tấn công, ngay cả trong những trận làm khách khó khăn.

Sau thời Herrera, vẫn có lẻ tẻ một số đội bóng sử dụng Catenaccio, nhưng không thu được thành công nào đáng kể.

———————–

ĐIỂM MẠNH VÀ ĐIỂM YẾU CỦA CATENACCIO

Điểm mạnh

– Hệ thống phòng ngự gồm 2 hàng của Catenaccio khiến cho các đội bóng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận khung thành. Ngay cả khi họ đã vượt qua được 2 phòng tuyến ấy thì vẫn còn libero và thủ môn tiếp ứng.

– Vị trí libero rất hữu ích trong những trận đấu mà đối phương sở hữu một tiền đạo giỏi. Bằng cách theo sát tiền đạo này, libero khiến cho anh ta phải nỗ lực nhiều hơn mới có được bóng, đồng thời có ít khoảng trống để thể hiện những kỹ năng tấn công của mình.

– Catenaccio là nền tảng tuyệt vời cho lối chơi phản công. Đối phương muốn xuyên thủng được Catenaccio sẽ phải bổ sung thêm người cho mặt trận tấn công, dẫn tới việc hàng thủ yếu đi vì ít người.

– Catenaccio là một hệ thống phù hợp với các đội bóng nhỏ, bởi nó phụ thuộc vào nỗ lực tập thể chứ không phải những kỹ năng cá nhân. Catenaccio cũng rất hữu ích khi một đội bóng phải chơi thiếu người.

– Catenaccio sản sinh ra nhiều hậu vệ giỏi. Claudio Gentile, Gaetano Scirea, Paolo Maldini, và Alessandro Costacurta được xem là những “sản phẩm” ưu tú của Catenaccio.

Điểm yếu

– Catenaccio không còn phù hợp khi các đội bóng được thưởng nhiều hơn cho một trận thắng (3 điểm so với 2).

– Catenaccio là một chiến thuật mất cân bằng nghiêm trọng, do nó quá chú trọng vào hàng thủ. Những đội bóng lớn sẽ không thể chơi Catenaccio bởi như thế họ sẽ không phát huy hết sức mạnh tấn công của mình.

– Catenaccio yêu cầu các cầu thủ phải chơi một kèm một. Điều này có thể dễ dàng dẫn tới tình trạng bối rối khi các cầu thủ đối phương hoán đổi vị trí liên tục.

– Catenaccio có thể khiến các đội bóng phải mang tiếng phản bóng đá.

Related posts:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *