Chiến thuật 3-5-2 : Sơ đồ chiến thuật phòng ngự lên ngôi

Với một lực lượng bị đánh giá thấp nhất trong lịch sử Azzurri, đội tuyển Italia của Antonio Conte vẫn đang tiếp tục tạo ra những cơn địa chấn tại Euro 2016 trên đất Pháp. Có thể nói, việc chơi với bộ ba trung vệ vận hành trong sơ đồ 3-5-2 chính là chìa khóa cho thành công tới thời điểm hiện tại của đội tuyển Italia. Vậy tại sao sơ đồ 3-5-2 lại quay trở lại thành công như vậy? Chúng ta hãy cùng nhau đi tìm hiểu về cách vận hành, những lợi thế, điểm yếu khi sử dụng sơ đồ chiến thuật này.
Giải mã của Conte
NHẬN DIỆN SƠ ĐỒ 3-5-2

Sơ đồ 3-5-2 gắn liền với tên tuổi của huấn luyện viên Carlos Salvador Bilardo, thuyền trưởng của Argentina tại World Cup 1986 diễn ra trên đất Mexico. Mặc dù không thể tạo ra một xu hướng chiến thuật mạnh mẽ như 4-4-2 sau này nhưng nó vẫn được nghiên cứu và sử dụng. Điển hình như Louis Van Gaal với đội tuyển Hà Lan tại World Cup 2014, Antonio Conte với Juventus và đội tuyển Italia, Napoli dưới thời Walter Mazzarri… đã đạt được những thành công với sơ đồ chiến thuật này.

Sơ đồ 3-5-2 được đặc trưng bởi hệ thống gồm 3 trung vệ, trong đó có một trung vệ lệch trái, một trung vệ lệch phải và một trung vệ ở chính giữa giữ vai trò giống như một sweeper.
Hai cầu thủ chạy cánh ở hai bên thi đấu như những wing-back. Cách bố trí các tiền vệ trung tâm sẽ tùy thuộc vào ý đồ chiến thuật của huấn luyện viên. Nếu huấn luyện viên muốn kiểm soát chặt khu vực trung tuyến thì sẽ bố trí ba tiền vệ chơi gần nhau. Với việc bố trí một tiền vệ và hai tiền vệ trung tâm, điều đó cho thấy huấn luyện viên muốn tăng cường sự an toàn cho hàng . Và hàng tiền vệ có thể được bố trí với hai tiền vệ trung tâm và một tiền vệ tấn công có nghĩa là huấn luyện viên muốn tăng thêm khả năng tấn công của đội bóng.

Bộ đôi tiền đạo đá cao nhất sẽ là sự kết hợp tuyệt vời nhất giữa một tiền đạo với vai trò như một target-man có thể hình, thể lực, khả năng tranh chấp và làm tường tốt với một tiền đạo có tốc độ và kĩ thuật.

VẬN HÀNH SƠ ĐỒ 3-5-2

Với sơ đồ 3-5-2, khi có bóng và tổ chức tấn công, hai wing-back sẽ cùng dâng cao hoặc 1 trong 2 wingback dâng cao hơn để hỗ trợ tấn công. Một hoặc hai tiền vệ sẽ án ngữ phía trước bộ tam vệ và gần như không tham gia vào tình huống tấn công. Điều này có thể cho thấy, trong giai đoạn này hệ thống tấn công sẽ có tối đa 6 người và hệ thống phòng ngự có tối thiểu 4 người. Điều này đảm bảo quân số phòng ngự trong những tình huống phản công nhanh của đối phương, còn tuyến trên cũng đảm bảo đủ số lượng cần thiết để tổ chức tấn công.

Khi mất bóng hoặc không kiểm soát, sơ đồ 3-5-2 có thể linh hoạt chuyển sang các sơ đồ 5-3-2, 3-4-3 và có lúc là cả 4-4-2.
Lựa chọn thứ nhất là thiết lập sơ đồ 5-3-2 với 2 wing-back nhanh chóng lùi về để tạo lập hàng thủ 5 người. Hai wing-back lùi về sẽ đứng ngang với các trung vệ nên sẽ kiểm soát được những tình huống di chuyển vào những khoảng trống phía sau các hậu vệ. Điều này sẽ giúp cho hàng phòng ngự có được sự ổn định và để lộ ít khoảng trống để đối phương có thể khai thác. Bộ ba tiền vệ trung tâm tạo thành lớp phòng ngự tiếp theo. Và hai tiền đạo cũng lùi về phía phần sân nhà để tạo thành lớp phòng thủ đầu tiên.
Sơ đồ Italia khi đá phòng ngự
Đây cũng chính là cách vận hành cơ bản của đội tuyển Italia tại Euro 2016. Với cách triển khai đội hình như thế này, đội tuyển Italia luôn có được sự chắc chắn trong khâu phòng thủ với ba lớp phòng ngự.

Lựa chọn thứ hai là chuyển sang sơ đồ 3-4-3 với 2 wing-back hợp với 2 tiền vệ trung tâm tạo thành hàng ngang phòng ngự, một tiền vệ trung tâm sẽ dâng lên cùng với 2 tiền đạo tạo thành lớp phòng ngự đầu tiên. Với sơ đồ này, các cầu thủ cần pressing từ xa và quyết liệt ngay khi mất bóng, và thường hay thấy ở những đội bóng có hàng phòng ngự dâng cao và có khả năng pressing tốt. Nếu việc pressing nhanh không thành công thì sẽ quay về với sơ đồ 5-3-2.

Trong trận đấu với Tây Ban Nha tại vòng 1/8 vừa qua, Conte đã cho các học trò thực hiện kèm người 1-1 trên toàn mặt sân. Khi mất bóng trên phần sân đối phương, đội hình của Italia là 3-4-3 với Giaccherini chơi nhô cao lệch sang bên trái hợp với bộ đôi tiền đạo Pelle, Eder để thực hiện pressing từ xa. Hai wing-back là De Sciglio bên cánh trái và Florenzi bên cánh phải luôn chủ động dâng cao để tạo áp lực lên hai hậu vệ biên bên phía Tây Ban Nha là Juanfran và Alba. De Rossi kiểm soát Fabregas, còn Parolo luôn giữ một cự ly phù hợp để có thể tạo áp lực ngay lập tức với Iniesta.
Italia tổ chức kèm người 1-1 với sơ đồ 3-4-3
Lựa chọn thứ ba là sự dịch chuyển thành sơ đồ 4-4-2 với một wing-back lui về ngang với bộ ba trung vệ để tạo thành hàng phòng ngự 4 người, wing-back còn lại sẽ lùi về ngang với ba tiền vệ để tạo thành lớp phòng ngự thứ hai. Toàn bộ các cầu thủ sẽ di chuyển và giữ cự ly đội hình thích hợp cho việc tổ chức phòng ngự khu vực.

Cách triển khai này chúng ta có thể nhận thấy ở đội tuyển Italia trong một số tình huống phòng ngự ở trận đấu với tuyển Bỉ. Khi đội tuyển Bỉ đưa bóng ra một trong hai biên thì đội tuyển Ý thiết lập đội hình 4-4-2 và tịnh tiến về phía hướng bóng nhằm mục đích chia cắt sự phối hợp giữa biên và trung lộ của tuyển Bỉ, cùng với đó là giảm thiểu không gian chơi bóng của các cầu thủ Bỉ, đặc biệt là bộ đôi De Bruyne và Hazard.

Italia tổ chức phòng thủ khu vực với sơ đồ 4-4-2 trong một tình huống tấn công biên

NHỮNG LỢI THẾ KHI SỬ DỤNG SƠ ĐỒ 3-5-2

Sơ đồ với 3-5-2 mang lại những lợi thế rõ ràng và khắc phục được những điểm yếu của sơ đồ 4-4-2 truyền thống.
Thứ nhất, hàng hậu vệ sẽ được tăng cường thêm một trung vệ, điều này sẽ giúp cho hàng phòng ngự có thêm người trong việc chống lại hệ thống tấn công của đối phương. Mức độ an toàn của hệ thống phòng ngự trong những pha phản công của đối phương sẽ cao hơn.

Thứ hai, với việc thêm một trung vệ nữa, đội bóng có thể đủ điều kiện để hàng tiền vệ có thêm một tiền vệ trung tâm, điều này mang lại cho đội bóng thêm lợi thế về quân số ở khu vực trung tuyến. Một hàng tiền vệ 3 người sẽ khắc phục được khoảng trống giữa các hàng ngang trong sơ đồ 4-4-2 truyền thống với một tiền vệ mỏ neo chơi tự do (trong sơ đồ 3-5-2) ở giữa hàng tiền vệ và hàng hậu vệ, hoặc một tiền vệ tấn công chơi tự do (trong sơ đồ 3-4-1-2) ở giữa hàng tiền đạo và hàng tiền vệ.

Thứ ba, với việc thêm một trung vệ, đội bóng có khả năng chơi với các wing-back. Điều này mang lại lợi thế về quân số cho cả giai đoạn phòng ngự và tấn công. Khi phòng thủ, hai wing-back sẽ lùi về tạo ra một hàng thủ đông người giúp đảm bảo sự vững chắc cho khung thành. Khi tấn công, sự dâng cao của các wing-back sẽ mang tới lợi thế về con người trong các tình huống tấn công. Điều đó bắt buộc đối phương phải tăng số người trong khâu phòng ngự, kéo giãn hệ thống phòng ngự, từ đó các khoảng trống sẽ lộ ra để các tiền vệ hoặc tiền đạo xâm nhập tạo ra các cơ hội nguy hiểm.

NHỮNG ĐIỂM YẾU CỦA SƠ ĐỒ 3-5-2

Trên lý thuyết cũng như trong thực tế, không có bất cứ một sơ đồ chiến thuật nào là hoàn hảo. Do đó, sơ đồ 3-5-2 cũng tồn tại trong nó những điểm yếu riêng.

Hệ thống 3-5-2 muốn vận hành trơn tru và hiệu quả đòi hỏi rất khắt khe đối với các trung vệ. Các trung vệ cần phải có khả năng chọn vị trí tốt và phán đoán được sự di chuyển của các cầu thủ tấn công bên phía đối phương. Về mặt thể chất, ba trung vệ phải là những người có sức mạnh kết hợp với việc có một tốc độ tương đối tốt. Đặc biệt, các trung vệ cần có những kĩ năng xuất sắc về chặn bóng, tắc bóng, không chiến và có khả năng chuyền bóng chính xác ở cả cự ly dài và ngắn. Điều này chúng ta có thể thấy rõ ràng ở hệ thống 3 trung vệ của ĐT Hà Lan tại WC 2014 và ĐT Italia tại EURO lần này.
Hai wing-back phải là những người cơ động và rất nhanh nhẹn. thi đấu ổn định và xuất sắc, lên công về thủ tốt. Tuy nhiên vấn đề lớn sẽ tới nếu như hai winhg-back lên cao và không kịp lui về thì khoảng trống ở cánh sẽ bị lộ ra để đối phương khai thác.
Các cầu thủ ở hàng tiền vệ phải có sự hỗ trợ và bọc lót kịp thời vào các khoảng trống lộ ra ở hàng phòng ngự. Sự đa năng của các cầu thủ là điều cũng rất đáng lưu ý.

Điểm yếu lớn nhất của sơ đồ 3-5-2 là khi một trong số ba trung vệ bị kéo ra khỏi vị trí, hoặc để mất vị trí. Khi đó cấu trúc ba trung vệ có nguy cơ bị phá vỡ, dẫn tới việc hậu vệ biên phải bó vào để trám lỗ hổng đó. Nhưng theo logic, khoảng trống ở biên sẽ lộ ra để tạo cơ hội cho các cầu thủ đối phương xâm nhập và gây nguy hiểm.

TẠM KẾT

Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của chiến thuật bóng đá, sơ đồ 3-5-2 đã có thời điểm lên tới đỉnh cao với Argentina của Bilardo. Những phân tích trên về những lợi thế và các điểm yếu của sơ đồ 3 trung vệ này đã cho thấy đây không phải là một sơ đồ dễ dàng áp dụng. Điểm mấu chốt trong việc lựa chọn 3-5-2 cho một đội bóng là nhân sự phù hợp mà huấn luyện viên có trong tay.
Mặc dù có một lực lượng không được đánh giá cao ở Euro lần này, nhưng Conte đã chứng minh cho giới mộ điệu thấy được tài năng của mình trong việc liệu cơm gắp mắm. Conte đã lựa chọn những con người phù hợp nhất với triết lí của ông và sơ đồ 3-5-2. Những điểm nhất về mặt chiến thuật trong 4 trận đấu tại Euro vừa qua đã cho thấy ưu điểm của sơ đồ 3-5-2 mà Conte dày công xây dựng cho tuyển Italia.

Cùng với thành công của Louis Van Gaal cùng đội tuyển Hà Lan tại WC 2014, Pep Guardiola với Barcelona và Bayern Munich, Thomas Tuchel với Borussia Dortmund, hệ thống chiến thuật 3 trung vệ khi kiểm soát bóng đang dần trở thành cách vận hành thời thượng hiện nay. Sự trỗi dậy của sơ đồ với 3 trung vệ phải chăng sẽ là một xu hướng và sẽ thay đổi bộ mặt chiến thuật của thế giới trong nhiều năm tới như những gì mà sơ đồ W-M của Herbert Chapman đã từng có được ở thế kỉ trước?

Related posts:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *